Với tư cách là Trưởng BGK cuộc thi, ông nói gì trước những ý kiến cho rằng kết quả chung cuộc chưa thực sự thuyết phục?
- BGK chúng tôi gồm 9 thành viên, được Ban tổ chức mời chấm giải này để tìm ra những gương mặt tiêu điểu, đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam đẹp và thành đạt.
Không giống với những cuộc thi khác, việc chấm giải đối với cuộc thi này không đơn giản bởi biên độ giới hạn tuổi của đối tượng được tham dự cuộc thi rất lớn: từ 19 - 48 tuổi. Tất nhiên, không thể mang vẻ đẹp của tuổi 19 so với vẻ đẹp của độ tuổi trên 40. Tiêu chí thành đạt cũng vậy, sự thành đạt của những người trẻ tuổi không thể mang lên "bàn cân" để so với sự thành đạt của những người phụ nữ nhiều tuổi, đã có sự trải nghiệm.
Cách thức chấm điểm cũng dựa vào nhiều yếu tố, từ khâu xét qua hồ sơ, đánh giá từ những chương trình, hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi, sau đó cộng các bảng điểm của từng thành viên BGK cho từng thí sinh và chọn 20 thí sinh có số điểm cao nhất từ trên xuống dưới từ 1 tới 20.
Trước khi công bố các danh sách này, BGK đã qua quá trình trao đổi, tranh luận và có ghi biên bản - kết quả cuối cùng sau buổi tranh luận đó đều có ký nhận của tất cả thành viên bán giám khảo.
Còn một điểm mới trong thành phần tổ chức cuộc thi này, đó là chia rõ 2 mảng việc khác nhau: Ban tổ chức và BGK. Mỗi mảng đều đảm nhận các công việc độc nhập và chịu trách nhiệm riêng với công việc của mình.
Cảm nhận về sắc đẹp ở mỗi người khác nhau, tiêu chí thành đạt của mỗi cá nhân cũng không giống nhau, vậy kết quả sẽ dựa vào đâu, thưa ông?
- Qua nhiều vòng sơ loại, tất cả 64 thí sinh đều là những người phụ nữ đẹp và thành đạt. Tâm lý ai cũng vậy thôi, tự tin ở sắc đẹp và sự thành đạt của mình thì họ mới đến với cuộc thi này, và ai cũng mong đoạt giải. Khi công bố danh sách mà không thấy tên mình, thí sinh nào cũng có những bức xúc nhất định. Nhưng với vai trò của chúng tôi, dù muốn dù không cũng phải làm đúng bổn phận của mình là chọn ra những thí sinh có số điểm cao nhất gửi Ban tổ chức. Ở cuộc thi này, chúng tôi đã làm việc hết sức nghiêm túc, công tâm với hết trách nhiệm của mình.
Cá nhân tôi đã từng được mời chấm giải nhiều cuộc thi lớn, và tôi cho rằng đây là một cuộc thi được thực hiện rất bài bản, nghiêm túc và nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của nhiều cơ quan ban ngành, từ khâu thẩm định hồ sơ, thân nhân của từng thí sinh.
Khâu tổ chức có thể còn một số vấn đề chưa được hoàn thiện trong đêm chung kết, đặc biệt là ở màn thi ứng xử của những thí sinh cuối cùng. Do chưa từng đứng trên sân khấu, trước đám đông nên yếu tố tâm lý đã ảnh hưởng đến chất lượng câu trả lời. Điều này khác biệt rất lớn so với khi tiếp xúc trực tiếp với thí sinh ở các cuộc trao đổi giữa thí sinh và BGK trước cuộc thi, các thí sinh đa phần rất tự tin thể hiện kiến thức, sự hiểu biết khi trả lời các câu hỏi của BGK.
Cũng không thể phủ nhận rất nhiều trong số những thí sinh đó khiến chúng tôi ngưỡng mộ về sự thành đạt. Nhưng không có nghĩa rằng tất cả những người thành đạt đó đều có tên trong danh sách 20 thí sinh cao điểm nhất.
Nhưng tiêu chí cụ thể nào để đánh giá từng thí sinh, thưa ông?
Cái đẹp đơn thuần trong nhãn quan của mọi người chắc cũng không quá khó để nhận xét. Nhưng ông nghĩ sao trước phần nhiều ý kiến cho rằng những người lọt vào top 20 không phải là những người nổi trội về vẻ đẹp và sự thành đạt so với những thí sinh bị loại?
- Vâng, đúng là rất khó cho chúng tôi trong việc chọn ra 20 cái tên sao cho dung hòa nhất với các tiêu chí của cuộc thi và lứa tuổi của từng thí sinh. Chính bởi vậy, 9 thành viên trong BGK đã phải đưa ra những sự lựa chọn của mình, thảo luận và chọn ra những ứng cử viên thích hợp nhất.
Trong quá trình chấm giải, sự đồng thuận của BGK có lớn không, thưa ông?
- Rất lớn.
Như vậy thì ông nghĩ sao khi có thí sinh tâm sự rằng, sau phần công bố, chính thành viên của BGK đã tỏ ra thất vọng với danh sách đã được công bố?
- Tôi cho rằng không ngẫu nhiên mà chúng tôi được mời vào ghế giám khảo. Mỗi người đều có những nhận định và chính kiến riêng của mình, thậm chí bảo vệ gay gắt cho những ý kiến đó. Nhưng bao giờ cũng vậy, ý kiến đa số được tôn trọng và cuối cùng mọi người đều đồng thuận với kết quả dựa trên ý kiến tập thể. Còn ý kiến bên lề nếu có, ai phát ngôn thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Tôi tin rằng tất cả các thành viên BGK đều coi trọng tiếng nói chung và đã thể hiện sự đồng thuận đó trước tập thể.
Còn với những thí sinh "đặc cách" vào thì sao thưa ông? Không phải điều đó có nghĩa rằng Ban tổ chức coi trọng sự xuất hiện của họ trong cuộc thi, thừa nhận họ là những người có triển vọng đoạt giải cao và hội đủ nhiều yếu tố đoạt giải nhất so với những thí sinh khác?
- Thông tin đó ngoài chức năng của chúng tôi. Việc mời các thí sinh cụ thể vào vòng chung kết là việc của Ban tổ chức. Chúng tôi nhận nhiệm vụ chấm điểm cho các thí sinh dựa trên những tiêu chí cụ thể của chính cuộc thi này. Đây cũng chính là điểm khác biệt ở cuộc thi này.
Nhưng nếu đã là một bộ máy tổ chức chung cho cuộc thi, Ban tổ chức và BGK hẳn phải có sự trao đổi về những trường hợp này?
- Chúng tôi không quan tâm đến việc thí sinh A,B đã từng đoạt danh hiệu gì trước đó, họ đã nổi tiếng ở ngoài như thế nào. Ở mỗi một cuộc thi có tiêu chí khác nhau, vì vậy cũng không thể cho rằng đã thắng ở cuộc thi khác nghĩa là phải có giải ở cuộc thi này.
Nhưng theo nhận định của đa số độc giả thì 6 gương mặt cuối cùng chiến thắng không phải là những người nổi trội cả về sắc vóc lẫn sự thành đạt? Trong khi đó, mục đích quan trọng nhất của cuộc thi là chọn ra được một đại diện xứng tầm để tham gia cuộc thi quốc tế mà Việt Nam sắp đăng cai tổ chức?
- Chúng tôi tôn trọng ý kiến cá nhân mỗi người vì đó là quyền nhận xét, đánh giá với tư cách khán giả. Với chúng tôi, những nhận xét được đưa ra dựa trên một quá trình tiếp xúc với thí sinh, qua hồ sơ của từng người và đó là những ý kiến chuyên môn, vì thế chúng tôi ngồi ở hàng ghế của ban giảm khảo.
Vậy còn các thông tin "hậu trường" như kiện cáo thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, quan hệ đời tư phức tạp có ảnh hưởng nhiều đến việc chấm điểm cho từng thí sinh không thưa ông?
- Đó là thông tin thuộc tầm kiểm soát và trách nhiệm của Ban tổ chức. Trước khi đồng ý ngồi vào hội đồng giám khảo, tất cả chúng tôi đã ký vào biên bản với nội dung không chịu trách nhiệm về thân nhân, hồ sơ lý lịch của mỗi thí sinh. Việc quan trọng nhất của chúng tôi là chịu trách nhiệm về những đánh giá của mình với thí sinh đó dựa trên những gì họ thể hiện trong cuộc thi này.
Không chỉ khán giả mà rất nhiều thí sinh cũng tỏ ra ngạc nhiên với phần công bố giải "Quý bà thân thiện"? Thậm chí có quý bà cho biết sau cuộc thi, họ đã hỏi nhau và rồi thấy rằng hầu hết trong số họ không hề bỏ phiếu cho sự "thân thiện" này?
- Đó là giải thưởng dành riêng cho các thí sinh để nhận xét và bình chọn. Ai có số phiếu bầu chọn nhiều nhất thì người đó chiến thắng. Và giải này Ban giám khảo hoàn toàn tôn trọng chính những thí sinh dự thi vì đây là phần thi của họ. Chúng tôi không ở cùng các thí sinh để đánh giá được họ thân thiện thế nào, có duyên ăn nói ra sao, có tinh thần giúp đỡ người khác hay không. Toàn bộ các phiếu bình chọn cũng đã được niêm phong công khai và chuyển tới ban tổ chức ngay sau khi soát phiếu.
Đã nhiều lần tham gia các cuộc thi nhan sắc với vai trò giám khảo, đối mặt với dư luận trái chiều sau những kết quả mình đưa ra, cá nhân ông nghĩ sao về công việc này?
- Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Đối với cuộc thi này, để tìm ra một kết quả hợp lý nhất lại càng khó khăn hơn. Khi dư luận không hoàn toàn đồng tình với kết quả, cá nhân tôi và những thành viên khác trong ban giảm khảo cũng rất trăn trở. Nhưng thực tế là chúng tôi đã cùng nhau làm việc hết sức khách quan, công tâm nhất để không phải day dứt điều gì. Một điều chắc chắn là danh sách mà chúng tôi đưa ra không phải do một áp lực hay những quan hệ mờ ám nào cả - và đó cũng là lý do khiến chúng tôi hài lòng về kết quả của cuộc thi.
- Xin cảm ơn ông!
- Nhật Mai
0 comments:
Post a Comment