Dưới đây là trao đổi giữa VnExpress và bà Đoàn Thị Kim Hồng về sự việc:
- Tại sao Ban tổ chức lại có văn bản đề nghị các cơ quan ban ngành liên quan vào cuộc để xử lý thí sinh Doãn Thị Phương và Trần Bảo Ngọc?
- Với thí sinh Trần Bảo Ngọc, tôi thật sự trân trọng, quý mến, chia sẻ và tôi hiểu sau khi buồn, chị đã bình tâm, trở lại công việc bình thường. Còn về thí sinh Doãn Thị Phương, thông tin chị nêu ra vừa qua đã làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Ban chỉ đạo, Ban giám khảo, Ban tổ chức, các thí sinh tham dự và các thí sinh đoạt giải, kể cả bản thân tôi.
Nếu đây là đắng cay hay nỗi buồn của riêng cá nhân thì tôi sẽ cố gắng chịu đựng vượt qua. Nhưng đây là một cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia nhằm hưởng ứng và tiến tới cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt Thế giới. Nên những phát ngôn thiếu trung thực của người không hiểu biết không những làm mất uy tín của đất nước mà còn làm mất uy tín của chính họ.
Những phản ảnh của Doãn Thị Phương về chiều cao, cân nặng, chỉ số đo hình thể... của thí sinh khác đều không có căn cứ vì ban giám khảo đã làm việc rất cẩn thận. Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp chịu trách nhiệm chính trong việc này và bà rất có uy tín với kinh nghiệm trong hơn 20 năm hoạt động chuyên môn.
Vậy mà thí sinh Phương có những tin nhắn thách thức, hăm dọa tôi vì cho rằng mình xứng đáng đoạt giải. Tất cả tin nhắn đó tôi còn giữ. Vì vậy, ban tổ chức phải có văn bản đề nghị xử lý thí sinh. Không thể nào có chuyện thí sinh đi thi không đoạt giải thì quay ra chê trách cuộc thi.
- Bà nghĩ hướng xử lý của các cơ quan chức năng về vụ việc này sẽ thế nào?
- Tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ có trả lời rõ ràng về sự việc này trong một vài ngày tới. Tất nhiên, ai đã phát biểu điều gì thì sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói ra.
- Bà giải thích sao về việc thí sinh Doãn Thị Phương cho rằng ban tổ chức không hợp lý khi đề nghị thu tiền từng thí sinh cho mục đích từ thiện?
- Tất cả thí sinh từ vòng bán kết khu vực phía Bắc tại Hà Nội, khu vực phía Nam tại TP HCM và vòng chung kết thi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đóng góp cho công cuộc làm từ thiện với tinh thần tự nguyện. Ban tổ chức hoàn toàn không bắt buộc. Mà bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào trong nước và quốc tế cũng có kèm theo hoạt động này.
Ngay từ đầu, khi các thí sinh tham dự cuộc thi, Ban tổ chức đã vận động họ cùng chung tay làm những việc có ích cho xã hội. Mỗi người đóng góp theo khả năng của mình, dù là một đồng, hộp sữa, áo quần, hay một hộp thuốc bổ, có thể chỉ là một bài hát để tặng cho các trẻ em khuyết tật. Tất cả đều đáng trân trọng.
Tại cuộc thi này, việc Ban tổ chức cùng các thí sinh tham gia làm từ thiện và bảo vệ môi trường tại thành phố Vũng Tàu là một trong những việc làm thiết thực và có ý nghĩa nhân văn. Qua sự đóng góp của các thí sinh, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, và công ty CIAT, ban tổ chức từ vòng bán kết và chung kết đã quyên góp và trao tặng được 1,8 tỷ đồng. Số tiền đó được trao công khai cho rất nhiều tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em, phụ nữ, giáo viên nghèo trên cả nước như: Quỹ phát triển Phụ nữ vượt khó của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi khuyết tật Vũng Tàu, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam...
- Ở vị trí phó ban tổ chức cuộc thi trong nước, cảm xúc của bà như thế nào trước sự việc vừa qua?
- Gần 20 năm làm ngành quảng cáo, tổ chức hội chợ triển lãm và sự kiện, trong đó 6 năm gắn bó với công tác tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, với tôi đây không chỉ là công việc mà là niềm đam mê nhằm nêu cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tôi tự thấy mình thành công được như ngày hôm nay là do bản thân luôn biết xem xét ưu khuyết điểm của mình và lấy phương châm người xưa đã dạy "Tiên trách kỷ hậu trách nhân", "Một điều nhịn chín điều lành".
Thí sinh Doãn Thị Phương trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam. Ảnh: Thoại Hà.
Thí sinh Doãn Thị Phương trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp.
Thí sinh Doãn Thị Phương trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp.
Trước đây, tôi cũng gặp nhiều tình huống, thí sinh được kỳ vọng cao nhưng lại không đoạt giải thì khóc và xỉu sau đêm chung kết. Như lần đầu UBND tỉnh Lâm Đồng và công ty Ciat tổ chức thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007 tại thành phố Đà Lạt, chính tôi đã đưa các em vào bệnh viện, động viên và ngồi nghe các em tâm sự. Tôi chia sẻ với các em quan niệm của bản thân, những cuộc thi sắc đẹp là dịp giao lưu, học hỏi giữa các chị em phụ nữ trong cả nước trên tinh thần đoàn kết, khẳng định bản thân và điều quan trọng nhất, nếu không thành danh thì cũng thành nhân. Sau này, có người còn trở thành chị em kết nghĩa với tôi. Họ buồn nhưng họ trân trọng cuộc thi. Đến bây giờ, một số chị em đã lập gia đình hạnh phúc và có công việc ổn định.
- Xin bà chia sẻ thêm về việc chuẩn bị cho hai thí sinh sẽ đại diện Việt Nam tranh giải quốc tế sắp tới?
- Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn và công ty Ciat huấn luyện, hỗ trợ cho Hoa hậu Hoàng Thị Yến và Á hậu 1 Nguyễn Thị Thu Hà. Hai người sẽ đại diện phụ nữ Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế. Cả hai sẽ có chế độ luyện tập riêng, từ trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, trau dồi ngoại ngữ đến chế độ ăn uống, giữ gìn sức khỏe, luyện tập các môn thi tài năng, đầu tư về trang phục, phong cách giao tiếp, trình diễn trên sân khấu… Thời gian còn rất ngắn nên tôi phải tập trung hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ giúp sức cho thí sinh.
Khoảng đầu tháng 11, những thí sinh quốc tế sẽ bắt đầu tập trung về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, đã có 60 thí sinh đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ hoàn tất hồ sơ visa đến Việt Nam. Ngoài ra, còn vài quốc gia khác đang trong chặng cuối của cuộc thi nước họ để chọn ra thí sinh tham dự.
Sau đêm chung kết, ngày 6/10, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt đã nhận được kết luận của Ban chỉ đạo, có nội dung: "Hoan nghênh UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Công ty Ciat và các Bộ, ngành địa phương, đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt Việt Nam 2009, đúng quy chế, an toàn, tiết kiệm, chọn được thí sinh đại diện cho phụ nữ Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt thế giới 2009".
VnExpress có cuộc phỏng vấn nhanh luật sư Nguyễn Văn Hậu, người chấp bút và tư vấn cho phía Việt Nam soạn thảo hợp đồng ký kết với tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới về việc tổ chức cuộc thi tại Việt Nam:
- Ông nghĩ sao về việc Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà đề nghị Bộ công an và các cơ quan ban ngành có liên quan đến cuộc thi xử lý thí sinh chỉ vì họ có khiếu nại cần giải đáp về cuộc thi?
- Bất cứ thí sinh nào cũng có quyền công dân của mình và có quyền khiếu nại khi thấy bất bình về cuộc thi. Tuy nhiên, tìm hiểu qua ban tổ chức, tôi nắm trong tay văn bản giấy trắng mực đen cho thấy, ngay từ đầu khi tham gia cuộc thi, thí sinh Doãn Thị Phương đã cam kết sẽ tuân thủ quy chế cuộc thi đưa ra. Nội quy của cuộc thi có những điều khoản quan trọng, như ở điều 20: "Đây là cuộc thi mang tính chất nhân văn nhằm giao lưu văn hóa giữa các chị em phụ nữ trên cả nước, vì vậy thí sinh không được tùy tiện phát biểu, tuyên truyền, kích động hoặc có những thái độ, hành vi ảnh hưởng không tốt đến cuộc thi". Căn cứ trên điều này, nếu ngay từ đầu thí sinh trao đổi với ban tổ chức để giải quyết vụ việc, hoặc gửi khiếu nại đến ban tổ chức mà ban tổ chức không trả lời thì thí sinh mới đưa những nhận xét riêng về cuộc thi lên báo chí thì vụ việc sẽ không phức tạp.
Tờ cam kết của thí sinh Doãn Thị Phương ký khi bắt đầu tham gia cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam (Dòng địa chỉ thường trú được xóa để đảm bảo thông tin riêng). Ảnh BTC cung cấp
Một trang trong bảng nội quy vòng thi chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt VN 2009. Ảnh BTC cung cấp.
- Nhưng việc quy định thí sinh cam kết trước như thế chẳng khác nào "bịt" mất đường cho thí sinh nêu ra công luận những bức xúc của họ trong trường hợp cuộc thi thật sự có vấn đề, ông nghĩ sao?
- Nếu cuộc thi có vấn đề và thí sinh thấy bức xúc, mà theo cam kết ban đầu như họ đã ký, họ nên trao đổi với ban tổ chức và các cơ quan ban ngành liên quan. Nếu không được giải đáp thỏa đáng thì họ mới tung ra dư luận và báo chí. Làm ngược lại, họ đã phá vỡ cam kết và có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì đây không chỉ là cuộc thi đơn thuần mà còn là một nét văn hóa trong bộ mặt của quốc gia khi lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Mrs. World vào tháng 11. Những thông tin, nếu không đúng, sẽ làm mất thể diện và hình ảnh của Việt Nam dưới góc nhìn bạn bè thế giới.
Về những thắc mắc mà thí sinh Doãn Thị Phương nêu ra, tôi nghĩ ban tổ chức và các cơ quan thẩm quyền sẽ thẩm định làm rõ và có câu trả lời sớm cho công chúng. Khi có kết luận từ cơ quan chức năng thì những phát biểu không đúng, dù là của bên nào cũng sẽ bị xử lý.
Theo Vnexpress
0 comments:
Post a Comment